Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

NHỮNG CUỘC CHIA TAY KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI



Trong vòng gần 1 tháng, chia tay 04 người bạn ở tuổi U 50. Một chút gì đó làm cho mình mất thăng bằng… Giữa hai lằn ranh giới’’được’’ và ‘’mất’’ sao mà dễ dàng quá ? Nhắm mắt lại, những gương mặt thân quen với những nét thật gần hiện lên đầy đủ hết…Gần đây, tự dưng lại có thói quen mất nhiều thời gian trò chuyện với những người đã khuất! Không, nếu gọi là trò chuyện thì phải có đàm và thọai, đằng nầy, mình chỉ độc hành tái hiện, chạy theo những sinh họat của những con người ấy mà có lúc mình chứng kiến….Rút điều gì qua những chuyện nầy? – Thấy cũng như đời thường, duy chỉ có điều nó nằm ở thì quá khứ. Có cần tranh luận, cật vấn cũng không được…
Chiều nay, lại tiễn 1 thằng đệ tử chưa đến 50… Tiếc quá! Phải chi gần đây mình quan tâm đến nó thì nó không chết… Có lúc, nó tự hào là em kết nghĩa với mình…Một lời khuyên, một sự quan tâm đúng lúc mà mình cũng không làm được… Cái chết sinh học bởi những nguyên nhân bệnh lý thì có gì phải nói… Cái chết bởi sự bế tắt, bởi cô đơn mới đáng tiếc…Những tên sát thủ với trái tim nằm ở bên phải đến bao giờ mới biến khỏi cuộc sống nầy? Còn những con người có trái tim nằm ở bên phải thì cuộc sống nầy sẽ còn nhiều điều oan khuất…Vậy đó! Cuộc sống là như vậy… có được… có mất…….

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Những cuộc chia tay không bao giờ trở lại




Ngồi tần ngần thật lâu trước máy tính… Viết cái gì đây? Lâu lắm rồi, mình chỉ đưa lên những bản nhạc của một thời. Nhạc là tiếng lòng, nhạc thay cho lời muốn nói…Tâm trạng đang có vấn đề nên thấm thía lắm lời của Cậu 6 Giáng
Bởi chưng chưa thoát cõi trần
Nên đành im lặng tránh phần thị phi
Trông về đồng ruộng đôi khi
Thị thành tâm sự hoài nghi trăng tà
Chiều nay, trong một buổi chiều nhận được 02 tin buồn
Thứ nhất: Một anh bạn vong niên, có rất nhiều kỹ niệm với nhau hơn 30 năm nay sắp đi xa: Anh 7 Kiệt, dân Cái Mít, từ một giáo viên kháng chiến, nghèo dang dỡ việc học, sau giãi phóng đi học, gặp nhau, anh cố gắng vượt lên chính mình và cũng đã đi qua các chức vụ quan trọng trong HU Giồng Trôm. Nhớ có lần anh trách” Sao xuống GT mà không báo cho anh biết! Lúc đó , anh là chánh VP HU, Tôi cười khẻ và lẫn tránh, không trả lời. Với bản chất nông dân hiền hòa, luôn sẳn lòng vì anh em, 7 K đã để lại không chỉ trong tôi mà có lẻ với những người anh quen biết một tình cảm đậm đà- sâu lắng. Nghe nói, anh được các bác sĩ của Bệnh viện Thống nhất “ chê” vì căn bệnh ung thư quái ác. Lúc nào anh đi, tôi cũng chưa rõ, nhưng sao đứng trước cuộc chia tay nầy … buồn quá! Mấy ngày trước cũng nghe tin cô học trò lớp HT MN khá thân quen tiễn chồng lần cuối. Không đến thăm được, nhưng lòng vẫn nặng như đeo đá…
Thứ hai: Cũng một anh bạn khá thân, biết nhau từ những ngày đầu tiên mình về công tác tại Ty Giáo dục BT. Bản thân là trưởng phòng TCCB nhưng tính cởi mở và hay thích pha trò. Đã chơi là chơi“ tới bến”. Anh có con được học bổng tiến sĩ ở nước ngòai, vừa làm lễ thành hôn cho con ngay lúc tôi dẫn quân đi Phan Rang. Anh con rể cũng đang học ở nước ngoài. Đám cưới nghe nói rất lớn và có rất nhiều bạn bè đến chia vui. Mình chỉ chia vui với anh bằng một tin nhắn, kèm theo lời xin lỗi.. Trong sự đoàn tụ và viên mãn, anh như đang ở tận trời xanh rơi “ cái bịch” xuống đất( thậm chí dưới mặt đất) cũng vì căn bệnh ung thư máu do tình cờ các BS phát hiện.. Đúng là “ Ông trời không cho ai cái gì cả!” Thành công và thất bại, được và mất trong cuộc đời nầy sao mà cách nhau ngắn quá.
Tôi đã nhiều lần đứng trước những cuộc chia tay không bao giờ gặp lại, cảm giác bùi ngùi, hoài tiếc lần nào cũng có. Lần nầy chưa tiễn mà sao nặng… quá… Có rất nhiều và có những người thân quen của mình đã lần lượt ra đi…Tự hỏi? – Tại sao tạo hóa cứ trêu ngươi: ‘ Những con người gian trá, những kẻ cơ hội với những toan tính đầy tham lam và ích kỹ vẫn mặc nhiên tồn tại ra đó? Vẫn hãnh tiến. Còn những người hiền lành, dễ mến mà theo cách nhìn nhận của mình là rất cần cho đời lại phải vội vàng bàn giao nhiệm vụ để chuẩn bị cho “ một chuyến đi xa?”
Buồn hỉ? Xin gởi đến những người bạn của tôi ơi một bông Lan trắng . Tôi không biết phải làm gì hơn để chia sớt với những người thân của các bạn

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

PHA MÀU THỜI GIAN


Nghe ai nói câu“Phên liếp quê nhà”…, bổng dưng những hình ảnh trái ngược mà mọi người cho rằng là kết quả của quá trình phát triển lại hiện ra trong đầu. Đó là những biệt thự, nhà cao tầng, những khu chung cư với kiến trúc pha tạp giữa các dòng hợp lưu đang thi nhau mọc lên như nấm sau mưa …
Có lẻ,
Lòng ta là những thành quách cũ
Tự ngàn xưa còn vọng tiếng loa kêu…?
- Một chiếc xe bò chở rơm chắn ngang đường làm cản trở giao thông, ngăn ta không vượt qua được, nhưng hồn lại bay bổng về với những “ cánh đồng bất tận”, những ngày mùa nhộn nhịp bên lối nhỏ đi về của tháng ngày năm cũ…
- Một tiếng cú kêu giữa đêm cũng làm cho chiếu, giường trăn trở…
- Nghe Bìm bịp kêu nước lớn sao mà thương nhớ quá …
Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tay
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
( Sông lấp – Trần Tế Xương )
Tội nghiệp TTX hay tội nghiệp cho chính mình ?
Kỳ lạ thiệt, giữa lằn ranh mới và cũ, giữa hiện đại và cổ xưa, ta như một hành khách xuống xe giữa một miền đất lạ………….?

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

HỒI ÂM MUỘN!


Sáng nay, nhận một cú điện hơi bị dài của học viên từ miền biển xa xôi... Anh nầy chưa sử dụng được mail, cũng không biết viết blog, bức xúc nên gọi điện trao đổi. Nội dung điện, anh nói nhiều suy nghĩ về buổi lễ tổng kết, bế giảng lớp học xoay quanh ý tưởng mà tôi đề nghị: - Hôm nay, trước sự có mặt đông đủ, tôi xin tuyên bố khai tử tiếng “Thầy”, đại từ xưng hô giữa tôi và các anh, chị. Lý do, với các lớp bồi dưỡng hiệu trưởng nào cũng vậy, đây là một nội dung mang tính thao tác không thể thiếu trong mối quan hệ chính thức giữa nhà trường và học viên do tôi phụ trách. Không phải khiêm tốn hay lập dị gì cả! Tại không có từ nào thay thế nên gọi chung là Thầy khi còn đang làm việc cùng nhau. Hãy để chữ “Thầy” kết thúc vai trò của nó, đầu thai sang nơi khác. Phần tôi, từ lâu, tôi vẫn bằng lòng và lạc quan với tư cách là “ anh thợ dạy”. Ở vị trí nầy, tôi đã làm hết phần việc của mình. Thế đấy! Đừng hỏi tại sao? Sau nầy, nếu gặp lại nhau, cứ gọi tôi bằng cái tên cúng cơm là được. Còn nếu như tình cảm quá, hãy cứ gọi là anh Ba, anh Ba ngôi thứ ba số ít là được. Thầy bi giờ hiếm lắm, không phải ai đi dạy cũng đều là Thầy. Chen lấn, giành giật có khi làm cho nó càng thêm khủng hoảng. Trong lịch sử giáo dục, những bậc túc nho, những người thầy vĩ đại, chưa ai tự xưng mình là Thầy. Gọi một tiếng “ THẦY”là sự bình xét tự đáy lòng và cất ra của người học thông qua sự CẢM và NHẬN những điều mà người dạy đưa ra. Danh xưng Thầy nặng lắm, nó không phải là một đại từ xưng hô bình thường như rất nhiều đại từ xưng hô bình thường khác trong ngôn ngữ giao tiếp. Đừng nói câu” một chữ cũng Thầy mà ½ chữ cũng Thầy nghe sáo rỗng wá !Vậy đó, tôi chưa đủ tư cách là thầy nên chưa dám nhận. Hãy hiểu cho và hiểu cho hỡi những người anh em yêu mến của tôi ơi .... Ta hẹn nhau sẽ gặp nhau tại những bến bờ mình đã ngắm. Chắc chắn thôi! Có một lúc nào đó ta sẽ gặp lại nhau
Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình lặng lẻ lươt qua mau
Bước lơ đãng, chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn mình đợi đã từ lâu

( Bùi Minh Quốc )

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

ĐƠN VỊ TÍNH




Không biết thời điểm nào trong quá khứ CON hay NGƯỜI sáng lập ra cách tính toán, nghĩ ra khái niệm ĐƠN VỊ để phân biệt giữa số ít và số nhiều? – Một vật thể ít hơn nhiều vật thể…Số đông là một đại lượng lấn át số ít…Đi vào thời đại văn minh, người ta phân ra khái niệm ĐỊNH LƯỢNG- ĐỊNH TÍNH , số lượng và chất lượng.
Quý hồ tinh hơn quý hồ đa, tốt gỗ hơn tốt nước sơn …. Bao giờ cũng vậy, cái quy định giá trị của một dạng vật chất là ở những tính chất của nó…
Những năm 80 của Thế kỹ trước, phương châm “ Nhanh- nhiều- tốt- rẽ “ của Trung Quốc đã là bệ phóng cho hàng hóa “ rẽ tiền, mau hỏng” với vô vàn chủng loại xâm nhập, phục vụ những tầng lớp có thu nhập thấp. Điều nầy cho thấy, số nhiều có cái hay của nó. Nó đã làm tròn vai trò công cụ của mình đối với chủ của nó khi cần thiết.
Bây giờ ta hãy xem, một nhà bác học, một vĩ nhân, một triết gia, một … ( những người có rất nhiều đóng góp cho quá trình tiến lên của xã hội) Khi đề cập đến họ, mọi người vẫn xưng- hô là một. Họ giỏi quá có thể gọi họ là một người rưỡi được không ? Chắc chắn là không
Còn một dạng người nữa, họ là những gánh nặng cho cộng đồng, họ không để lại những gì cho đời, họ sinh ra là để phá , lớn lên là ăn bám , đến chết còn báo đời để lại những hậu quả mà người sống phải còng lưng khắc phục. Lọai người nầycó gọi họ bằng đơn vị nửa người không? Chung quy, vẫn gọi là một. Đơn vị tính trong khâu nầy vẫn lấy LƯỢNG làm thước đo. Trái ngang quá? Bất công quá khi bỏ lên bàn cân về giá trị của hai con người trên.
Ai cũng xem trọng CHẤT nhưng đến bao giờ CHẤT được “ cài đặt mặc định” là những tiêu chuẩn phổ biến khi xem xét, đánh giá và sử dụng? Chuyện nầy chắc phải còn lâu nữa. Cách giải thích “ huề vốn” nhất là “ Tùy vào từng trường hợp, từng hòan cảnh “ Biết là sao bi giờ? “ Trăm bờ ảo vọng, nghìn tầng quạnh hiu chắc là đây ??

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

PHÍA SAU TẤM MÀN


Từ thời xa xưa, con người đã biết dùng những lọai hình nghệ thuật sân khấu để chuyển tải đến công chúng những thông điệp cần thiết. Ở đó, ta bắt gặp những bài học ở đời, là những lời khuyến cáo… Và hơn thế nữa, có thể là những ý tưởng mong muốn mọi người hãy cùng nhìn về một hướng nào đó. Trên sâu khấu, mỗi diễn viên đều có những gương mặt, những cá tính, những số phận theo sự dàn xếp của kịch bản và đạo diễn. Vở diễn hạ màn, người diễn viên trở lại chính gương mặt và con người mà anh ta hiện có. Đời thường! Đã là đời thường thì hòan tòan khác với sân khấu. Trên sân khấu, anh ta có thể là ngưới thành đạt, viên mãn, nhưng trong đời thường có thể anh là người thất bại….
Ngày nay, có những vở diễn, người ta có thể “ mục sở thị”, có thể trò chuyện với đạo diễn và diễn viên, nhưng có những vở mà con người cùng “ bơi lặn trong đó” Mỗi số phận con người, mỗi vai diễn của con người bị chi phối bởi những quy luật xã hội – chính trị. Người ta đeo đưổi mục đích, bằng mọi cách để đạt mục đích…. Và đó, cuộc đời là một sân khấu. Một xã hội thu nhỏ cũng là một sân khấu. Sân khấu thì có khởi đầu ( kéo màn) và hồi kết thúc ( Hạ màn) Sau mỗi vở diễn, người được, kẻ mất. Mọi người chiêm nghiệm và ngộ ra điều gi?
Nhận một vai trên sân khấu, hay là người ngồi xem người ta diễn ???
Cũng giống như “ KỲ” trong CẦM KỲ THI TỬU. Trong thế giới cờ, anh là một con cờ hay là người chơi cờ. Có một thành phần thứ ba nữa : Đó là người xem….
Hơn ¼ thế kỷ quan sát trong tư cách tất cả các vai, các vị trí của từng quân cờ trên bàn cờ, từng thế nước. Có lúc đứng ở vị trí của người xem…mình NHẬN ra:” Cuộc sống là một cuộc đấu tranh đang liên tục diễn ra ở nhiều dạng khác nhau. Nhân tố để quyết định sự thành công trong mọi việc là mình biết mình là ai? Đang đi đâu? Và điểm đến là chỗ nào? Nói thì quá dễ, nhưng có lúc mình cũng bị đắm chìm, bị hút vào những cơn lốc dữ không tài nào cản lại được…
Thì ra: ...........................

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010


Nếu Anh đi được trên mặt nước, Anh cũng không hơn gì một cọng rơm
Nếu Anh bay được trên không trung, Anh cũng không hơn một con ruồi
Nhưng, nếu Anh làn chủ được bàn thân Anh, thì Anh mới thật sự là một con người
( Ai nói không biết? nhưng câu nầy cách đây hơn 30 năm mình đã dán ngay trước bàn viết trong phòng )

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

NGÀY ẤY XA RỒI !




Ngày ấy đã xa rồi! Những năm tháng trong trẻo của ngày nào, khi những cơn gió chướng về mạnh. Ruộng đã khô, đi dọc đường, mùi rơm mồng, thơm, không trộn lẫn và so sánh với một cái mùi vị nào khác được, Có lẻ, trong mỗi người, nhựng dấu ấn đậm nhạt của tuổi thơ đã hằn sâu vào tâm thức như những đường rảnh vĩnh hằng. Nó thức dậy khi con người cảm nhận ra quỹ thời gian của đời mình không còn bao lâu nữa…
Ngày ấy, trong đầu chỉ biết có chơi. Chơi quên cả ăn. Lúc lạo tìm kiếm những trò chơi khác người. những trò chơi trẻ con, nhưng có thể kéo theo con nít cả xóm cùng theo.
Tôi lớn lên theo nhịp của thời gian và trưởng thành trong những sắc màu của cuộc sống. Một học trò quê ra tỉnh học. Lớn lên đồng hành với quá trình đô thị hóa và những chuyến xe chở lính Cộng hòa ra trận. Đêm nằm nghe xa xa một vài tiếng pháo lạc bầy. Thỉnh thỏang cũng được xem những chiếc máy bay quân sự bay ngang qua đầu. Cũng có lúc chứng kiến hình ảnh từ xa, những chiếc phản lực cơ đâm xuống và lượn lên và sau đó là những cụm khói đi liền với âm thanh của những trái bom liền tiếp những trái bom. Không một chút suy nghĩ gì là thời thế. Gần hết cuộc chiến mới nhận ra mình tồn tại. Suy nghĩ cho mình, cho những người xung quanh. Ngộ ra cái phận sự của đứa con lớn trong gia đình, thế là lao đi. Bỏ học về quê khi tiếng súng của hai bên vừa dứt. Tìm . Đi tìm, cũng không biết tìm cái gì khi vốn liếng chỉ là cái đầu rổng tếch và ý chí ngang tàng, cộng thêm một chút mẹo nhỏ mà quãng đời rong chơi phía trước đọng lại
Đầu tiên, theo người lớn ra giữa sông Tiền, tranh thủ mua và bè những phuy xăng dầu hạm đội Mỹ bỏ lại. Mang vào đất liền trong sự tranh giành, rượt đuổi của nhiều ngưởi để nhận lấy những đồng tiền công ít ỏi, trả giá cho cái sống chết liền kề
Lên biên giới Thiện Ngôn, Xa Mát, cũng là đi theo người lớn với vai trò lái xe và vệ sĩ. Kiếm tìm một manh mối để đưa muối lên vùng nầy. Nghe đâu ở đây người ta đổi đậu xanh lấy muối. Đến nơi, một cảnh tượng bi đát; hàng lượt người Việt từ bên kia biên giới “bỏ của chạy lấy người” về với hai tay mang xách những gì có thễ xách mang được. Bi thảm. Hậu quả sự trở mặt của Pôn - pốt mà lúc ấy người ta dùng bằng cụm từ bao quát “ Cáp duồn”. Tìm chỗ, kịp ăn một tô bì bún rồi trở về làm phụ việc cho chiếc đò máy chở hành khách của người Cô . Đò lớn, chạy máy tàu Gray 6 mà có lúc “chân vịt’ với đường kính 8 tấc 4 rớt ra ở vàm kinh xáng Đồng tâm mấy anh em không biết cách nào đưa lên được.
Ông Nội mất, đưa về trên chiếc đò nầy bằng phân nữa thời gian chạy như mọi khi. Mình lên bờ theo dòng người đưa đám và ở lại luôn. Thế là từ lúc đó, một anh dân “ chợ” có học hành tử tế làm những công việc nhà quê ( Cách nghĩ theo lúc đó) Để duy trì các sinh họat cần thiết, ban ngày hoặc khi không còn tiền phải đi hớt tóc dạo, kiếm vài cái đầu của con nít trong xóm để mua sắm lặt vặt. Hồi đó, mình gọi công việc nầy là lượm hoa rơi. Một cái túi Air Việt Nam cũ, bên trong 2 cái tong đơ, kéo, dao cạo, phấn, luợc và miếng vài quấn lên cái cổ trẻ con mỗi khi hớt cho tóc đừng bám vào. Có lần, gặp cái đầu vừa méo vừa sẹo của một thằng nhóc trong xóm Dầu.. Hớt kiểu “cua biển” nha chú! Từ nào đến giờ, mình chưa bao giờ hớt “ đờ mi cua” , chỉ quen lối mòn “chải thấp” và “chải cao”. Nay gặp kiểu nầy là “ế cối” đây. Quần thảo với thằng nhỏ gần nữa tiếng …. Nó khóc! Hỏi – Cái gì? Nó bảo- Chú ơi! Chú chải cái lược hoài con đau và nóng quá …!Dỗ ngọt bằng hết cả nghệ thuật dụ khị nó mới nín một lát. Tới màn cạo. Nguyên là con dao cạo xịn của mình đêm qua lấy ra bỏ quên ở nhà . Đành phải dùng con dao chưa “ bo mũi” . Cạo nhát đầu tiên, thằng nhỏ nhảy nhổm “ Ái”. Cái nữa củng nghe “Ái” Sau ba bốn tiếng “ ái” gì đó, thằng nhóc đưa tay quẹt lỗ tai .. Tôi nghe một tiếng thất thanh “ Ơ,,i m…á…u…! Nó tung chạy… Chết chắc! Con cái nhà ai mình không biết, nó mang cái khăn choàng của mình chạy phát phơ như hiệp sĩ, không khéo mất cái khăn nầy là lỗ nặng. Thế là…, rượt theo… Càng rượt , thằng nhóc càng chạy , vừa chạy vừa la,, vừa khóc. Làm như mình bắt nó lại để chọc tiết … Mấy người đi ngang tò mò chặn lại hỏi vì sao!… Đó chuyện cười ra nước mắt của những ngày ấy ..
Làm vườn, thật ra công việc chủ yếu là dọn vườn hoang. Hạ cây cây leo, đưa tất cả xuống, xong rồi đốt, sau đó đánh hộc trồng mía. Anh em phụ cất cho một căn nhà nhỏ ở cuối vườn. Ở một mình, tối có vài đứa bạn cùng lứa sợ mình chết cảm nên sang ngũ, sáng ra về việc ai nấy làm. Thỉnh thoảng tự hỏi, tự vấn, tự tìm một lời đáp cho ngày mai của mình? Không lời đáp! Có những buồi chiều ngồi dưới cái mờ ảo của thời điểm giao giữa ngày và đêm ngòai đồng vắng. Nghe tiếng cúm núm kêu, nghe chim quốc gọi bạn tình mà lòng se thắt- Cuộc đời mình là như vậy sao? Tự an ủi bằng việc gầy dựng một chút gì để lại cho các em thông qua mãnh vườn… Thế rồi…Ra thành trở lại. Mình nộp đơn vào trường Sư phạm hồi nào cũng không nhớ. Chỉ biết, có một ngày, đang đá bóng, có người vỗ vay nói” Lên tao nhận giấy báo đi học làm thầy giáo” Thế là, lấy dây kẻm, cột cửa căn nhà lại … Và đi …

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

LẠI CHỜ SÁNG !



Từ lâu rồi, tôi vẫn giữ được thói quen chờ sáng. Nhìn những vạt mây chào ngày mới phía mặt trời mọc mà trong đầu miên man những ý tưởng xa -gần lộn xộn. Vậy đó! Thói quen như một cơn nghiện khó bỏ. Giữ một chút lòng, nghe ca từ trong bài hát của Trịnh Công Sơn, có lần BS Việt Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẩy hát “ Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…” mới thấy mình còn nợ nhiều quá. Mới đó mà đã qua rồi một thập kỷ! Mọi người xung quanh vẫn còn chau mặt, vẫn còn lầm lũi bước đi trong những bước chân nặng nề. Có bi quan quá không khi mà cuộc sống đã qua rồi cái thời gian khó?? Có lẻ, do áp lực của cuộc sống! Cũng có khi là do lòng ham muốn của con người không có biên độ giới hạn mà ta chưa bằng lòng với cuộc sống hiện tại?
Sáng thức dậy – Ra sân
Một ngày nữa thôi
Nắng sáng cũng tươi hơn
Cây cũng xanh hơn
Con ong, con bướm vẫn xuống sân nhà nhiều hơn
Thế mà…
Ở một nơi nào đó… Nhiều lắm… Có những con người, có những số phận chỉ biết thực hiện những ham muốn của mình trong chiêm bao, trong ao ước một sự mầu nhiệm ban cho từ chuyện cổ tích…
Cuối năm, hai đầu cầu truyền hình làm chuyện từ thiện với những con số ngàn tỷ. Một chút ấm lòng nhưng chắc không thấm vào đâu. Dân số đông, trình độ dân trí còn thấp. Lòng đố kỵ và sự ganh ghét còn có chỗ ẩn núp, Những con siêu vi khuẩn đục khóet còn có chỗ sống và hòanh hành thì còn nhiều cảnh đời bất hạnh. Dù sao thì mặt trời vẫn mọc từ hướng Đông… Sống trong đời sống … cần có một tấm lòng . Tiếc quá, chưa biết nhúng bài hát nầy vào đây…..

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

CHUYỆN HAI CON KHỈ NHÀ TÔI


Mấy năm gần đây, người ta thường trưng bày 3 con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng. Người thì nói đó là học thuyết đầy sâu lắng của TQ (Tác giả là ai thì tranh cải bất phân...? Tôi cũng cố lắng nghe nhưng chưa xác định được ai là người đưa ra hình ảnh biểu trưng của ba con khỉ ) Theo tôi:
Vô là không, giống như no four trong tiếng Anh bàn trà (No là không, là vô, four là bốn, là tư. No four là vô tư- no four go là ‘’vô tư đi’’…)
Tam vô, theo nghĩa thường mà mọi người hay nghĩ là: Không thấy, không nghe, không nói.
Không thấy, không có nghĩa là không có khả năng thấy. Thật ra , con khỉ kia đã thấy, thậm chí thấy rất rõ. Thấy tường tận mọi vấn đề đến mức phải che mắt không thèm nhìn nữa mà vẫn thấy
Không nghe cũng vậy, nghe rõ lắm, nghe nhiều lắm, Bịt tai không nghe không có nghĩa là không nghe được, cũng không phải là không thèm nghe mà vấn đề là thái độ không muốn nghe
Không nói. Che miệng!Phải nói là bịt miệng mới đúng. Ở đây, cần hiểu là chủ thể đã nghe, nghe hết không bỏ sót điều gì. Từ chỗ đã thấy, đã nghe, chủ thể không cần phải nói. Sự vô ngôn là thái độ thay cho lời muốn nói. Quan sát 3 hình ảnh trên, có người cho rằng đây là biểu tượng của sự tiêu cực trước mọi vấn đề. Cũng có thể hiểu là một sự né tránh? Ai muốn hiểu sao thì hiểu !
NĐC : Sự đời thà khuất đôi tròng thịt, \Lòng Đạo xin tròn ……
Mấy anh em trong lúc trà dư tửu hậu còn nhại lại :
Thà đui mà uống thiệt tình
Còn hơn có mắt rình rình ăn gian

Có một Anh bạn thân tôi đến thăm, Anh ta đố:- Đố Anh trong 3 con khỉ đó, con nào khổ nhất? Tôi còn đang trù trừ thì Anh đưa tay lấy con khi che miệng cho vào túi. Anh nói, trên đời nầy, thấy được, nghe được nhưng mà nói không được thì còn cái gì khổ bằng! Hình ảnh nầy là khổ nhất! Tôi xin anh con khỉ bịt miệng là để cho anh còn cái quyền để nói. Anh có thể không thèm thấy, cũng không cần nghe nhưng phải nói…Và Anh có quyền nói! Đến đây thì tôi nhận ra được nỗi lòng của Anh bạn nầy…
Nhìn, nghe và nói là 3 đặc quyền cơ bản của con người. Ai cấm cản? không ai cấm cả. Tuy nhiên để nói, nói đúng, nói chính xác thì sao ??? quyền nói là của ta, còn nghe hay không, làm hay không là chuyện khác . Đây cũng chính là lý do bộ tam vô của tôi bây giờ còn chỉ có hai. Vô ngôn Anh bạn tôi giữ rồi, hình như đó cũng là một dự định tinh ý của bạn. Bạn mưốn tôi nói . Giấu đi con khỉ che miệng nghĩa là “Tôi có quyền nói”! KHÓ THIỆT!