Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

NGÀY ẤY XA RỒI !




Ngày ấy đã xa rồi! Những năm tháng trong trẻo của ngày nào, khi những cơn gió chướng về mạnh. Ruộng đã khô, đi dọc đường, mùi rơm mồng, thơm, không trộn lẫn và so sánh với một cái mùi vị nào khác được, Có lẻ, trong mỗi người, nhựng dấu ấn đậm nhạt của tuổi thơ đã hằn sâu vào tâm thức như những đường rảnh vĩnh hằng. Nó thức dậy khi con người cảm nhận ra quỹ thời gian của đời mình không còn bao lâu nữa…
Ngày ấy, trong đầu chỉ biết có chơi. Chơi quên cả ăn. Lúc lạo tìm kiếm những trò chơi khác người. những trò chơi trẻ con, nhưng có thể kéo theo con nít cả xóm cùng theo.
Tôi lớn lên theo nhịp của thời gian và trưởng thành trong những sắc màu của cuộc sống. Một học trò quê ra tỉnh học. Lớn lên đồng hành với quá trình đô thị hóa và những chuyến xe chở lính Cộng hòa ra trận. Đêm nằm nghe xa xa một vài tiếng pháo lạc bầy. Thỉnh thỏang cũng được xem những chiếc máy bay quân sự bay ngang qua đầu. Cũng có lúc chứng kiến hình ảnh từ xa, những chiếc phản lực cơ đâm xuống và lượn lên và sau đó là những cụm khói đi liền với âm thanh của những trái bom liền tiếp những trái bom. Không một chút suy nghĩ gì là thời thế. Gần hết cuộc chiến mới nhận ra mình tồn tại. Suy nghĩ cho mình, cho những người xung quanh. Ngộ ra cái phận sự của đứa con lớn trong gia đình, thế là lao đi. Bỏ học về quê khi tiếng súng của hai bên vừa dứt. Tìm . Đi tìm, cũng không biết tìm cái gì khi vốn liếng chỉ là cái đầu rổng tếch và ý chí ngang tàng, cộng thêm một chút mẹo nhỏ mà quãng đời rong chơi phía trước đọng lại
Đầu tiên, theo người lớn ra giữa sông Tiền, tranh thủ mua và bè những phuy xăng dầu hạm đội Mỹ bỏ lại. Mang vào đất liền trong sự tranh giành, rượt đuổi của nhiều ngưởi để nhận lấy những đồng tiền công ít ỏi, trả giá cho cái sống chết liền kề
Lên biên giới Thiện Ngôn, Xa Mát, cũng là đi theo người lớn với vai trò lái xe và vệ sĩ. Kiếm tìm một manh mối để đưa muối lên vùng nầy. Nghe đâu ở đây người ta đổi đậu xanh lấy muối. Đến nơi, một cảnh tượng bi đát; hàng lượt người Việt từ bên kia biên giới “bỏ của chạy lấy người” về với hai tay mang xách những gì có thễ xách mang được. Bi thảm. Hậu quả sự trở mặt của Pôn - pốt mà lúc ấy người ta dùng bằng cụm từ bao quát “ Cáp duồn”. Tìm chỗ, kịp ăn một tô bì bún rồi trở về làm phụ việc cho chiếc đò máy chở hành khách của người Cô . Đò lớn, chạy máy tàu Gray 6 mà có lúc “chân vịt’ với đường kính 8 tấc 4 rớt ra ở vàm kinh xáng Đồng tâm mấy anh em không biết cách nào đưa lên được.
Ông Nội mất, đưa về trên chiếc đò nầy bằng phân nữa thời gian chạy như mọi khi. Mình lên bờ theo dòng người đưa đám và ở lại luôn. Thế là từ lúc đó, một anh dân “ chợ” có học hành tử tế làm những công việc nhà quê ( Cách nghĩ theo lúc đó) Để duy trì các sinh họat cần thiết, ban ngày hoặc khi không còn tiền phải đi hớt tóc dạo, kiếm vài cái đầu của con nít trong xóm để mua sắm lặt vặt. Hồi đó, mình gọi công việc nầy là lượm hoa rơi. Một cái túi Air Việt Nam cũ, bên trong 2 cái tong đơ, kéo, dao cạo, phấn, luợc và miếng vài quấn lên cái cổ trẻ con mỗi khi hớt cho tóc đừng bám vào. Có lần, gặp cái đầu vừa méo vừa sẹo của một thằng nhóc trong xóm Dầu.. Hớt kiểu “cua biển” nha chú! Từ nào đến giờ, mình chưa bao giờ hớt “ đờ mi cua” , chỉ quen lối mòn “chải thấp” và “chải cao”. Nay gặp kiểu nầy là “ế cối” đây. Quần thảo với thằng nhỏ gần nữa tiếng …. Nó khóc! Hỏi – Cái gì? Nó bảo- Chú ơi! Chú chải cái lược hoài con đau và nóng quá …!Dỗ ngọt bằng hết cả nghệ thuật dụ khị nó mới nín một lát. Tới màn cạo. Nguyên là con dao cạo xịn của mình đêm qua lấy ra bỏ quên ở nhà . Đành phải dùng con dao chưa “ bo mũi” . Cạo nhát đầu tiên, thằng nhỏ nhảy nhổm “ Ái”. Cái nữa củng nghe “Ái” Sau ba bốn tiếng “ ái” gì đó, thằng nhóc đưa tay quẹt lỗ tai .. Tôi nghe một tiếng thất thanh “ Ơ,,i m…á…u…! Nó tung chạy… Chết chắc! Con cái nhà ai mình không biết, nó mang cái khăn choàng của mình chạy phát phơ như hiệp sĩ, không khéo mất cái khăn nầy là lỗ nặng. Thế là…, rượt theo… Càng rượt , thằng nhóc càng chạy , vừa chạy vừa la,, vừa khóc. Làm như mình bắt nó lại để chọc tiết … Mấy người đi ngang tò mò chặn lại hỏi vì sao!… Đó chuyện cười ra nước mắt của những ngày ấy ..
Làm vườn, thật ra công việc chủ yếu là dọn vườn hoang. Hạ cây cây leo, đưa tất cả xuống, xong rồi đốt, sau đó đánh hộc trồng mía. Anh em phụ cất cho một căn nhà nhỏ ở cuối vườn. Ở một mình, tối có vài đứa bạn cùng lứa sợ mình chết cảm nên sang ngũ, sáng ra về việc ai nấy làm. Thỉnh thoảng tự hỏi, tự vấn, tự tìm một lời đáp cho ngày mai của mình? Không lời đáp! Có những buồi chiều ngồi dưới cái mờ ảo của thời điểm giao giữa ngày và đêm ngòai đồng vắng. Nghe tiếng cúm núm kêu, nghe chim quốc gọi bạn tình mà lòng se thắt- Cuộc đời mình là như vậy sao? Tự an ủi bằng việc gầy dựng một chút gì để lại cho các em thông qua mãnh vườn… Thế rồi…Ra thành trở lại. Mình nộp đơn vào trường Sư phạm hồi nào cũng không nhớ. Chỉ biết, có một ngày, đang đá bóng, có người vỗ vay nói” Lên tao nhận giấy báo đi học làm thầy giáo” Thế là, lấy dây kẻm, cột cửa căn nhà lại … Và đi …

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

LẠI CHỜ SÁNG !



Từ lâu rồi, tôi vẫn giữ được thói quen chờ sáng. Nhìn những vạt mây chào ngày mới phía mặt trời mọc mà trong đầu miên man những ý tưởng xa -gần lộn xộn. Vậy đó! Thói quen như một cơn nghiện khó bỏ. Giữ một chút lòng, nghe ca từ trong bài hát của Trịnh Công Sơn, có lần BS Việt Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẩy hát “ Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…” mới thấy mình còn nợ nhiều quá. Mới đó mà đã qua rồi một thập kỷ! Mọi người xung quanh vẫn còn chau mặt, vẫn còn lầm lũi bước đi trong những bước chân nặng nề. Có bi quan quá không khi mà cuộc sống đã qua rồi cái thời gian khó?? Có lẻ, do áp lực của cuộc sống! Cũng có khi là do lòng ham muốn của con người không có biên độ giới hạn mà ta chưa bằng lòng với cuộc sống hiện tại?
Sáng thức dậy – Ra sân
Một ngày nữa thôi
Nắng sáng cũng tươi hơn
Cây cũng xanh hơn
Con ong, con bướm vẫn xuống sân nhà nhiều hơn
Thế mà…
Ở một nơi nào đó… Nhiều lắm… Có những con người, có những số phận chỉ biết thực hiện những ham muốn của mình trong chiêm bao, trong ao ước một sự mầu nhiệm ban cho từ chuyện cổ tích…
Cuối năm, hai đầu cầu truyền hình làm chuyện từ thiện với những con số ngàn tỷ. Một chút ấm lòng nhưng chắc không thấm vào đâu. Dân số đông, trình độ dân trí còn thấp. Lòng đố kỵ và sự ganh ghét còn có chỗ ẩn núp, Những con siêu vi khuẩn đục khóet còn có chỗ sống và hòanh hành thì còn nhiều cảnh đời bất hạnh. Dù sao thì mặt trời vẫn mọc từ hướng Đông… Sống trong đời sống … cần có một tấm lòng . Tiếc quá, chưa biết nhúng bài hát nầy vào đây…..

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

CHUYỆN HAI CON KHỈ NHÀ TÔI


Mấy năm gần đây, người ta thường trưng bày 3 con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng. Người thì nói đó là học thuyết đầy sâu lắng của TQ (Tác giả là ai thì tranh cải bất phân...? Tôi cũng cố lắng nghe nhưng chưa xác định được ai là người đưa ra hình ảnh biểu trưng của ba con khỉ ) Theo tôi:
Vô là không, giống như no four trong tiếng Anh bàn trà (No là không, là vô, four là bốn, là tư. No four là vô tư- no four go là ‘’vô tư đi’’…)
Tam vô, theo nghĩa thường mà mọi người hay nghĩ là: Không thấy, không nghe, không nói.
Không thấy, không có nghĩa là không có khả năng thấy. Thật ra , con khỉ kia đã thấy, thậm chí thấy rất rõ. Thấy tường tận mọi vấn đề đến mức phải che mắt không thèm nhìn nữa mà vẫn thấy
Không nghe cũng vậy, nghe rõ lắm, nghe nhiều lắm, Bịt tai không nghe không có nghĩa là không nghe được, cũng không phải là không thèm nghe mà vấn đề là thái độ không muốn nghe
Không nói. Che miệng!Phải nói là bịt miệng mới đúng. Ở đây, cần hiểu là chủ thể đã nghe, nghe hết không bỏ sót điều gì. Từ chỗ đã thấy, đã nghe, chủ thể không cần phải nói. Sự vô ngôn là thái độ thay cho lời muốn nói. Quan sát 3 hình ảnh trên, có người cho rằng đây là biểu tượng của sự tiêu cực trước mọi vấn đề. Cũng có thể hiểu là một sự né tránh? Ai muốn hiểu sao thì hiểu !
NĐC : Sự đời thà khuất đôi tròng thịt, \Lòng Đạo xin tròn ……
Mấy anh em trong lúc trà dư tửu hậu còn nhại lại :
Thà đui mà uống thiệt tình
Còn hơn có mắt rình rình ăn gian

Có một Anh bạn thân tôi đến thăm, Anh ta đố:- Đố Anh trong 3 con khỉ đó, con nào khổ nhất? Tôi còn đang trù trừ thì Anh đưa tay lấy con khi che miệng cho vào túi. Anh nói, trên đời nầy, thấy được, nghe được nhưng mà nói không được thì còn cái gì khổ bằng! Hình ảnh nầy là khổ nhất! Tôi xin anh con khỉ bịt miệng là để cho anh còn cái quyền để nói. Anh có thể không thèm thấy, cũng không cần nghe nhưng phải nói…Và Anh có quyền nói! Đến đây thì tôi nhận ra được nỗi lòng của Anh bạn nầy…
Nhìn, nghe và nói là 3 đặc quyền cơ bản của con người. Ai cấm cản? không ai cấm cả. Tuy nhiên để nói, nói đúng, nói chính xác thì sao ??? quyền nói là của ta, còn nghe hay không, làm hay không là chuyện khác . Đây cũng chính là lý do bộ tam vô của tôi bây giờ còn chỉ có hai. Vô ngôn Anh bạn tôi giữ rồi, hình như đó cũng là một dự định tinh ý của bạn. Bạn mưốn tôi nói . Giấu đi con khỉ che miệng nghĩa là “Tôi có quyền nói”! KHÓ THIỆT!